CHIA SẺ

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

CÂY KEO LAI ĐƯỢC TRỒNG VÀ CHĂM SÓC NHƯ THẾ NÀO?

Cho đến nay, Keo Lai đã được khẳng định là loài cây có khả năng chịu đựng được khô hạn, tăng trưởng nhanh và ưu việt hơn Keo Lá Tràm kể cả trên đất cát nghèo dinh dưỡng.

Biết được cách trồng và chăm sóc Keo Lai sẽ giúp bạn tránh được những thiệt hại do sâu, bệnh gây ra. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn mọi người cách trồng và chăm sóc Cây Keo Lai, để cho kết quả kinh tế tốt nhất.

Thời vụ trồng: Có hai thời điểm trồng Keo Lai đó là vụ xuân và vụ thu. Vụ xuân trồng xong trước tháng 4 và vụ thu trồng xong trước 15/11.

Mật độ trồng: Tùy theo mục đích trồng và điều kiện khí hậu ở mỗi địa phương mà có mật độ trồng khác nhau. Thông thường, trồng với mật độ 1.660 cây/ha, thiết kế theo kích thước 3 x 2m (hàng cách hàng 3m, cây cách cây 2m). Trồng với mật độ như trên để sau này cơ giới hóa được trong khâu chăm sóc và phòng chống cháy rừng.


Cây Keo Lai Giống

Cách trồng:

Đào hố: Để phòng chống mối. Trước khi trồng phải dọn sạch cành nhánh xung quanh hố trồng. Trộn thuốc diệt mối vào bầu PE trước khi trồng cây. Phá vỡ, diệt tổ mối trên lô trồng rừng, chặn đường lấy nước của mối. Không bón phân có chứa mùn cưa.

Hố được đào trước khi trồng 7 – 10 ngày. Trường hợp đất được cày bừa thì hố đào được thực hiện cùng với quá trình trồng rừng và bón phân NPK (15 – 15 – 15) từ 50 – 100 gram/hố họăc phân hữu cơ sinh học từ 0,5 – 1,0 kg/hố.

Trồng cây: Trước khi bỏ cây xuống hố phải xé túi bầu. Cho cây vào giữa hố, giữ cây thẳng đứng, dùng tay vun lớp đất mịn ở xung quanh vào gốc cây. Vừa vun, vừa nén chặt gốc, lấp đất cao hơn cổ rễ từ 2 – 3 cm; hố lấp hình mu rùa.

Chăm sóc:

Cây Keo Lai là loại Cây Lâm Nghiệp phân cành sớm.Nếu chúng ta ít quan tâm đến kỹ thuật chăm sóc rừng trồng, thì sẽ làm giảm hiệu quả kinh tế. Vì vậy, chăm sóc Cây Keo Lai là việc làm quan trọng, không nên bỏ qua hay làm sơ sài.

Sau khi trồng Cây Keo Lai 7 – 10 ngày, kiểm tra và trồng dặm ngay ở những vị trí có cây con chết. Làm cỏ vun gốc 1 tháng sau khi trồng.

Tiến hành chăm sóc 2 lần/năm: lần 1 tiến hành vào đầu mùa mưa, lần 2 chăm sóc vào gần cuối mùa mưa. Nội dung chăm sóc: Phát thực bì toàn diện; dãy cỏ, bón phân, vun gốc cho cây rộng 0,8 – 1,0m; lượng phân bón là 100-150 gr NPK/gốc. Bón phân trong 3 năm đầu.

Khi phát hiện có sâu bệnh hại rừng cần thông báo tới cơ quan kĩ thuật liên quan để phối hợp phòng chữa sâu bệnh hại kịp thời.